Làm cha mẹ sẽ chẳng dễ chịu khi thấy cô con gái bé nhỏ nằm khóc sau khi vấp té, mà còn bảo con phải tự đứng dậy, lau nước mắt và đi tiếp. Cảm giác đó không dễ chịu chút nào! Thực ra, nó không phải là bỏ mặc trẻ, mà chỉ là cách để chúng ta cho trẻ hiểu rằng: số lần con vấp ngã được người khác đỡ lên là không nhiều, hầu hết là con cần phải học cách tự đứng lên. Đó là sức mạnh của ý chí, một thuật ngữ khác còn gọi là khả năng vượt khó.
Một nghiên cứu trên gần 1000 trẻ ở Mỹ từ lúc sinh đến 32 tuổi cho thấy sức mạnh ý chí là yếu tố quan trọng số 1 trong kiểm soát sức khỏe và khả năng tạo ra giá trị và sự thành công. Một nghiên cứu khác được dẫn đầu bởi nhóm các nhà khoa học Mỹ, Hà Lan, và Đan Mạch cho thấy sức mạnh ý chí được rèn luyện từ nhỏ sẽ tạo ra những người lớn có khả năng vượt khó, tự chủ, độc lập và thành công hơn.
Vậy, làm sao giúp trẻ rèn luyện ý chí vững mạnh ngay từ nhỏ?
1. Cho trẻ thấy cha mẹ không phải là người dễ nản chí hay bỏ cuộc.
Khi tham gia cùng trẻ hay giúp trẻ làm bài tập, bạn đừng tỏ ra bực tức hay đổ lỗi bài này khó bài này dễ vì điều này cho trẻ cảm thấy một hình mẫu của ý chí không mạnh mẽ. Thay vao đó, hãy cùng trẻ thực hiện và chấp nhận thất bại vì thất bại là tiền đề của thành công.
2. Luôn khuyến khích, tạo động lực
Trong mọi hoạt động, luôn khuyến khích con trẻ cố gắng đừng bỏ cuộc dù có nhận điểm xấu. Bài học ở đây không phải là thành tích mà là giúp trẻ nhận ra: khi không làm được và cố gắng hết sức thì chúng ta cần chấp nhận thất bại và thành công sẽ đến sau đó, nhưng nếu bỏ cuộc thì không bao giờ con biết thất bại hay thành công.
3. Đọc sách cho trẻ về những tấm gương ý chí mạnh mẽ và sự thất bại
Cho trẻ hiểu thất bại là ai cũng có. Cha mẹ cũng vậy, tổng thống Mỹ cũng vậy ... ai cũng có thất bại và con của bố/mẹ cũng vậy.
4. Bắt đầu thực hành ý chí bằng những bước nhỏ dần dần đến những bước lớn trong các hoạt động của trẻ
Sau mỗi bước thành công thì khuyến khích và khen ngợi trẻ. Cụ thể, khi chơi trò chơi hoặc hoạt động học tập nào đó, luôn khuyến khích trẻ làm từng bước và hết quy trình từ dễ đến khó. Để hạn chế sự bỏ cuộc của trẻ, bạn có thể hạ mục tiêu ngắn hơn hoặc vừa tầm hơn để trẻ vượt qua và tiếp tục chinh phục. Tránh làm thay trẻ những cái khó và để cái dễ cho trẻ làm.
5. Thường xuyên thực hành về trách nhiệm và luật lệ trong gia đình với trẻ.
Khi đó trẻ sẽ hiểu ra sự nghiêm túc trong trách nhiệm cũng như giữ đúng luật thì sức mạnh ý chí để vượt qua cám dỗ sẽ mạnh mẽ hơn. VD, nghiêm túc thực hiện giờ xem/chơi điện thoại trong quy định và quy định thưởng-phạt. Nếu sai phạm trẻ sẽ bị phạt như không xem ngày mai.
Một số sinh hoạt của bé cũng cần dạy theo 1 lịch trình và luôn đúng giờ. Ví dụ, tạo thói quen dậy sớm 30 phút vào buổi sáng để cùng bé đi dạo tập thể dục, thay quần áo và ăn sáng trước khi đến trường.
Từ 5 tuổi, bạn nên để trẻ quyết định trong 1 số tình huống và sự quyết định đó trẻ cần nêu lí do cho quyết định của mình.
Trẻ cần được dạy trình bày điều trẻ muốn và không muốn rõ ràng bằng lời nói. Tránh đáp ứng những điều trẻ muốn vì sợ trẻ khóc, điều này sẽ gửi cho trẻ thông điệp rằng: Khóc là công cụ hữu hiệu để lấy được điều trẻ muốn.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.